Cả bố mẹ tôi đều làm trong ngành y nhưng mỗi người mỗi nơi. Thuở bé, chúng tôi ở với mẹ trong khu tập thể bệnh viện. Cách một con sông là khu điều trị, cũng là cả một thế giới đầy quyến rũ.
Lũ trẻ con thường vượt qua chiếc cầu đất sang bên đó. Ấy là một khu đất rộng mênh mông với những cây dừa, cây xà cừ, cây vú sữa cao, to, tán rộng. Tha hồ lá, tha hồ quả để chúng tôi "chiếm dụng". Giữa bệnh viện là một cái hồ bán nguyệt được trồng mấy cây bonsai và thả khá nhiều cá vàng bé tí.
Thỉnh thoảng có những đám bọt to treo lủng lẳng trên cây si giữa hồ, rồi từ đó rơi xuống những con nòng nọc mà lũ trẻ con chúng tôi thường tìm cách vớt mà chẳng để làm gì. Bệnh viện sạch, không gây cảm giác đe dọa, lo sợ khi đi dạo quanh khuôn viên rộng rãi đó. Những tưởng mẹ tôi và các cô chú trong bệnh viện sẽ nhàn nhã, sung sướng lắm. Nhưng không phải vậy.
Chị em chúng tôi thường được theo mẹ đi trực đêm khi còn nhỏ. Vì ở nhà chẳng có ai trông. Rất nhiều lần, nửa đêm mở mắt không thấy mẹ đâu. Chỉ nghe tiếng bàn luận gấp gáp, tiếng chân chạy, tiếng giục giã, rồi cả tiếng khóc. Phải vài tiếng sau, cả kíp trực lại mới về phòng nghỉ.
Nếu nghe mọi người cười nói, tôi biết có chuyện gì đó vui vẻ, mà sau này lớn hơn, tôi mới hiểu, có một sinh mệnh nào đó đã được mẹ và các cô chú giành giật được khỏi tay tử thần. Còn cũng nhiều hôm, tôi nhận thấy những bước chân nặng nề, những tiếng thở dài, những cuộc tranh luận vẫn còn tiếp diễn cho đến sáng...Cuộc chiến đã không diễn ra như mong muốn.
Tôi từng ngủ thiếp đi trong những cuộc đấu cả trí, cả lực của mẹ tôi và các y bác sĩ bệnh viện với những kẻ thù không rõ mặt. Đôi khi, bệnh nhân chết trong cô độc, cả kíp trực lại trở thành những người thân cuối cùng tiễn đưa người bệnh.
Quanh bệnh viện nơi mẹ tôi làm, có khá nhiều nấm mồ vô chủ. Bệnh viện cắt cử một bác lao công chuyên chăm sóc để dưới suối vàng, những linh hồn tội nghiệp không thấy tủi thân. Vất vả, căng thẳng là thế, ấy vậy mà sau mỗi ca trực, chế độ bồi dưỡng chỉ là hộp sữa đặc có đường mà mẹ không bao giờ được ăn.
Một nhân viên y tế thời ấy vừa chữa bệnh, vừa đi tuyên truyền phòng bệnh, làm công tác vận động kế hoạch hóa gia đình dưới cơ sở. Trong khi họ vẫn cứ là trụ cột kinh tế trong gia đình với đồng lương eo hẹp.
Bố tôi vốn làm ở cơ quan y tế trung ương, sau khi đi học tại Trung Quốc, được điều về một bệnh viện điều dưỡng để đón và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Nhưng bố vẫn chữa bệnh cho rất nhiều người dân trên địa bàn. Bố chẳng có tiền vì việc làm thêm đó, chỉ lũ chúng tôi, mỗi lần về thăm bố, đôi khi gặp những người dân xách con cá, mớ rau đến biếu bố, cảm ơn vì đã giúp họ khỏi bệnh. Có những người đã trở thành ân tình, kết nghĩa anh em với bố, thân đến tận giờ, vì đã giúp họ vượt qua cơn bạo bệnh. Không ai nói về y đức, chẳng có những bài Công ty dịch thuật chuyên nghiệp - MIDtrans Blog tụng ca, nhưng bố mẹ tôi và những nhân viên ngành y khác vẫn làm việc, vẫn cống hiến, vẫn lăn xả vì họ đã chọn nghề cứu người.
Bây giờ, mỗi khi có "sự cố" về y đức nào đó, mỗi khi bỗng có "con sâu làm rầu" môi trường trong lành của ngành y, thì lại có vô số những lời mạt sát, chỉ trích gay gắt. Thời buổi công nghệ, những cơn bão mạng mặc sức tung hoành có thể làm nản lòng cả những người mạnh mẽ nhất. Nhiều tiếng thở dài "Nghề này bạc".
Song dẫu vậy, khi cả nước phải đối đầu với những mối hiểm nguy đe dọa đến sức khỏe, sinh mệnh, mỗi người dân tìm cách trốn khỏi vùng nguy hiểm, hoặc thu mình về phòng thủ để an toàn cho bản thân, thì họ, những nhân viên y tế, lại đi ngược dòng, tiến về phía mặt trận đang nóng bỏng, cam go nhất, những nơi có thể phải hi sinh chính bản thân mình.
Trận dịch SARS năm 2003, trận đại dịch Covid -19 bây giờ, ngành y tế là ngành có nhiều chiến sĩ cảm tử nhất. Chỉ riêng dịch SARS, bệnh viện Việt Pháp đã mất 5 bác sĩ. Nhưng dẫu vậy, nguy hiểm vẫn không trở thành rào cản với những nhân viên y tế, họ vẫn làm với tất cả nhiệt huyết, làm như định mệnh nghề nghiệp, làm để thực hiện lời thề Hippocrates: "Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ",
Tôi sẽ luôn nhớ rằng mình không phải điều trị một cơn sốt, hay sự phát triển của khối u, mà là đang điều trị một người đang mắc bệnh, tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến gia đình người đó và sự ổn định của nền kinh tế. Trách nhiệm của tôi bao gồm những vấn đề liên quan, để chăm sóc đầy đủ cho người bệnh ".
Sắp đến ngày 27/2, ngày vinh danh ngành Y tế Việt Nam, xin gửi tới những người đã và đang làm trong ngành y tế lòng biết ơn, sự trân trọng. Mong rằng họ đã và vẫn được ghi nhận như những gì họ xứng đáng.
Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây .
TS Nguyễn Thị Hường
(Học viện Hành chính quốc gia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét